(MPI) – Theo báo cáo tình hình kinh tế – xã hội quý IV và năm 2024 được Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố ngày 06/01/2025, dưới sự lãnh đạo của Đảng; sự đồng hành của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ của các bộ ngành và địa phương; sự đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp; tình hình kinh tế – xã hội nước ta năm 2024 tiếp tục xu hướng phục hồi rõ nét, tăng trưởng khởi sắc dần qua từng tháng, từng quý, lạm phát thấp hơn mức mục tiêu, các cân đối lớn được đảm bảo, kết quả trên nhiều lĩnh vực quan trọng đạt và vượt mục tiêu đề ra, là điểm sáng về tăng trưởng kinh tế trong khu vực và trên thế giới.
Toàn cảnh Họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế – xã hội quý IV và năm 2024. Ảnh: MPI |
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV/2024 ước tính tăng 7,55% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn quý IV các năm 2017, 2018 trong giai đoạn 2011-2024, duy trì xu hướng quý sau cao hơn quý trước (quý I tăng 5,98%, quý II tăng 7,25%, quý III tăng 7,43%). Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,99%, đóng góp 4,86% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,35%, đóng góp 44,03%; khu vực dịch vụ tăng 8,21%, đóng góp 51,11%. Về sử dụng GDP quý IV/2024, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,54% so với cùng kỳ năm trước; tích lũy tài sản tăng 7,98%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 11,35%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 13,49%.
GDP năm 2024 ước tính tăng 7,09% so với năm trước, chỉ thấp hơn tốc độ tăng của các năm 2018, 2019 và 2022 trong giai đoạn 2011-2024. Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,27%, đóng góp 5,37%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,24%, đóng góp 45,17%; khu vực dịch vụ tăng 7,38%, đóng góp 49,46%.
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2024 diễn ra trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng gay gắt, hạn hán ở khu vực Tây Nguyên, miền Trung, xâm nhập mặn tại các tỉnh phía Nam, đặc biệt là ảnh hưởng từ cơn bão số 3 đến các địa phương phía Bắc. Nhưng nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong phòng chống và khắc phục kịp thời ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2024 duy trì mức tăng trưởng tích cực, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Sản xuất công nghiệp quý IV/2024 tiếp tục xu hướng tăng trưởng tích cực, các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất chuẩn bị hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cuối năm nên chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung năm 2024, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp ước tăng 8,4% so với năm trước, là mức tăng cao nhất kể từ năm 2020 đến nay.
Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,6% (năm 2023 tăng 1,5%), đóng góp 8,4 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 9,5%, đóng góp 0,8 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 10,7%, đóng góp 0,2 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 6,5%, làm giảm 1,0 điểm phần trăm trong mức tăng chung.
Tổng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường năm 2024 đạt 233,4 nghìn doanh nghiệp, tăng 7,1% so với năm 2023; 197,9 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 14,7%.
Năm 2024, cả nước có hơn 157,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là hơn 1.547,0 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký gần 1.001,5 nghìn lao động, giảm 1,4% về số doanh nghiệp, giảm 1,8% về vốn đăng ký và giảm 5,4% về số lao động so với năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2024 đạt 9,8 tỷ đồng, giảm 0,4% so với năm 2023. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong năm 2024 là gần 2.025,9 nghìn tỷ đồng, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Hoạt động thương mại, dịch vụ tiêu dùng, vận tải, du lịch năm 2024 tiếp tục duy trì tăng trưởng. Tính chung năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,0% so với năm trước; vận chuyển hành khách tăng 8,3% và luân chuyển tăng 11,6%; vận chuyển hàng hóa tăng 14,0% và luân chuyển tăng 11,8%; khách quốc tế đến Việt Nam năm 2024 đạt gần 17,6 triệu lượt người, tăng 39,5% so với năm trước và bằng 97,6% năm 2019 – năm chưa xảy ra dịch Covid-19; số lượt người Việt Nam xuất cảnh đạt là 5,3 triệu lượt người, tăng 5,5% so với năm 2023.
Năm 2024, Ngân hàng nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thị trường bảo hiểm dần phục hồi và phát triển theo định hướng, mục tiêu đề ra. Thị trường chứng khoán hoạt động ổn định, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu tăng 20,6% so với cuối năm 2023.
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội năm 2024 theo giá hiện hành ước đạt 3.692,1 nghìn tỷ đồng, tăng 7,5% so với năm 2023, cao hơn so với mức tăng 6,6% của cùng kỳ 2023 đã phản ánh sự phục hồi tích cực của hoạt động sản xuất kinh doanh năm nay so với năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam năm 2024 ước đạt 25,35 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm trước, đạt mức cao nhất từ năm 2020 đến nay.
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội năm 2024, theo giá hiện hành ước đạt 3.692,1 nghìn tỷ đồng, tăng 7,5% so với năm trước (quý IV/2024 ước đạt 1.274,5 nghìn tỷ đồng, tăng 8,7%), bao gồm: vốn khu vực Nhà nước đạt 1.019,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 27,6% tổng vốn và tăng 5,3%; khu vực ngoài Nhà nước đạt 2.064,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 55,9% và tăng 7,7%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 608,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 16,5% và tăng 10,6%.
Thu ngân sách Nhà nước năm 2024 ước tăng 16,2% so với năm trước. Chi ngân sách Nhà nước ước tăng 5,7% so với năm 2023, đảm bảo các nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, thanh toán các khoản nợ đến hạn cũng như chi trả kịp thời cho các đối tượng theo quy định.
Tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2024 ước đạt 2.037,5 nghìn tỷ đồng, bằng 119,8% dự toán năm và tăng 16,2% so với năm trước. Trong đó: thu nội địa ước đạt 1.706,4 nghìn tỷ đồng, bằng 118,1% dự toán năm và tăng 16,0% so với năm trước; thu từ dầu thô ước đạt 58,6 nghìn tỷ đồng, bằng 127,5% dự toán năm và giảm 5,4% so với năm trước; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu ước đạt 271,3 nghìn tỷ đồng, bằng 133,0% dự toán năm và tăng 24,1% so với năm trước.
Tổng chi ngân sách Nhà nước năm 2024 ước đạt 1.830,8 nghìn tỷ đồng, bằng 86,4% dự toán năm và tăng 5,7% so với năm trước. Trong đó, chi thường xuyên năm 2024 ước đạt 1.190,7 nghìn tỷ đồng, bằng 94,5% dự toán năm và tăng 12,5% so với năm trước; chi đầu tư phát triển ước đạt 529,1 nghìn tỷ đồng, bằng 78,1% và giảm 8,7%; chi trả nợ lãi 108,3 nghìn tỷ đồng, bằng 97,0% và tăng 20,2%.
Năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 786,29 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 14,3%; nhập khẩu tăng 16,7%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 24,77 tỷ USD.
Năm 2024, thị trường hàng hóa toàn cầu chịu ảnh hưởng bởi diễn biến phức tạp của tình hình chính trị, kinh tế, xã hội thế giới. Xung đột leo thang ở Nga – U-crai-na, Trung Đông. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gay gắt. Bảo hộ thương mại và rào cản thương mại có xu hướng gia tăng khiến cho tình trạng phân mảnh của nền kinh tế toàn cầu diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Trong nước, hoạt động sản xuất hàng hóa, dịch vụ duy trì theo hướng tăng trưởng ổn định, bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân và phục vụ xuất khẩu. CPI bình quân quý IV/2024 tăng 2,87% so với quý IV/2023. Tính chung cả năm 2024, CPI tăng 3,63% so với năm trước, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra. Chỉ số giá sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp, dịch vụ, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất và chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa quý IV và năm 2024 có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm trước, riêng chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa giảm theo thị trường thế giới.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương phát biểu. Ảnh: MPI |
Theo báo cáo, trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới biến động khó lường, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước, năm 2024 nền kinh tế nước ta đạt mức tăng trưởng 7,09%, vượt mục tiêu 6-6,5% đã đề ra. Đây là mức tăng trưởng rất tích cực, thể hiện sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, kịp thời, hiệu quả của cả hệ thống chính trị trong chỉ đạo, điều hành và thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội trước những biến động nhanh, bất thường trong khu vực và trên thế giới, cũng như trước những thiệt hại do thiên tai, bão lũ gây thiệt hại lớn cho sản xuất kinh doanh và đời sống của Nhân dân ở nước ta.
Kết quả tích cực của năm 2024 là tiền đề quan trọng để bước sang năm 2025 nền kinh tế sẽ tăng tốc và về đích, hoàn thành cao nhất các mục tiêu trong Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025. Đây là thách thức lớn, cần sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và Nhân dân cả nước.
Theo đó, báo cáo đưa ra một số nhiệm vụ chủ yếu cần tập trung thực hiện như chủ động điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, ổn định tỷ giá, mặt bằng lãi suất; kiểm soát giá cả, thị trường; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Theo dõi sát diễn biến tình hình thế giới, diễn biến chính sách tài khóa, tiền tệ của các nước là đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của Việt Nam; chủ động có phương án ứng phó kịp thời với các tình huống phát sinh. Liên tục cập nhật các kịch bản dự báo về tăng trưởng, lạm phát để có phản ứng kịp thời nhằm duy trì sự ổn định và tăng trưởng của nền kinh tế trong năm tới. Theo dõi chặt chẽ diễn biến giá các mặt hàng thiết yếu nhất là mặt hàng xăng dầu, xây dựng các phương án điều tiết nguồn cung, hạn chế việc tăng giá đột biến nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến lạm phát và đời sống người dân.
Bộ ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, triển khai nhanh, hiệu quả các nhiệm vụ, dự án đầu tư quy mô lớn, tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao. Triển khai thực hiện mạnh mẽ các quy hoạch tỉnh, vùng, ngành tạo động lực, năng lực mới cho phát triển kinh tế năm 2025. Tập trung thúc đẩy tiến độ thi công các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm, hạ tầng giao thông quan trọng; phát huy nguồn lực đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước; thu hút, sử dụng hiệu quả nguồn lực khu vực tư nhân, khu vực nước ngoài. Có chính sách ưu đãi, cạnh tranh, tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi thu hút các dự án lớn, trọng điểm quốc gia, dự án công nghệ cao…, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư, đặt trụ sở và thành lập các trung tâm R&D tại Việt Nam.
Đẩy mạnh tiêu dùng, tập trung phát triển thị trường trong nước. Thực hiện hiệu quả các Chương trình xúc tiến thương mại, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa. Vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Chú trọng đầu tư hiện đại hóa hệ thống phân phối ở vùng nông thôn, miền núi để tăng cường tiêu thụ hàng Việt Nam, đẩy mạnh triển khai các hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa tại các địa phương có các sản phẩm đặc thù, lợi thế. Nâng cao chất lượng các loại dịch vụ, nhất là dịch vụ ăn uống, lưu trú, du lịch nội địa; tăng cường thu hút khách du lịch quốc tế.
Tăng cường các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận với vốn vay ưu đãi, lãi suất hợp lý; hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận nguồn lực hỗ trợ của nhà nước; cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp; cung cấp thông tin thị trường và hỗ trợ pháp lý trong thương mại, đầu tư quốc tế, cập nhật thông tin đầy đủ, chính xác, thường xuyên những thông tin quy định chính sách của các thị trường xuất khẩu chủ yếu như châu Âu, Mỹ, Ca-na-đa, Nhật Bản…
Thúc đẩy, tạo đột phá cho các động lực tăng trưởng mới, đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thương mại điện tử, các mô hình kinh doanh mới. Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tuần hoàn, phát thải các bon thấp, tiết kiệm tài nguyên, phát triển bền vững (ESG)…; đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường.
Tăng cường công tác phòng chống bệnh dịch; chủ động phương án phòng chống thiên tai, cảnh báo mưa lũ, sạt lở, tác động của hạn hán, xâm nhập mặn nhằm hạn chế tối đa thiệt hại tới sản xuất và cuộc sống của người dân./.
Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư