Tỉnh Trà Vinh đặt mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại (Ảnh: dulichtravinh.com.vn)
Quyết định nêu rõ mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Trà Vinh là tỉnh phát triển ở mức trung bình cao, nằm trong nhóm đầu của vùng đồng bằng sông Cửu Long, có kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước; có kinh tế biển phát triển, thích ứng với biến đổi khí hậu; các giá trị văn hóa của các dân tộc được bảo tồn và phát huy; người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Đến năm 2050, Trà Vinh là tỉnh phát triển cao của vùng đồng bằng sông Cửu Long, có trung tâm kinh tế biển hiện đại và trung tâm năng lượng sạch của vùng đồng bằng sông Cửu Long, thích ứng với biến đổi khí hậu; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, kết nối hiệu quả với vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Xã hội văn minh, hiện đại; quốc phòng, an ninh được bảo đảm; người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.
Quy hoạch cũng đề ra phương hướng phát triển ngành, lĩnh vực quan trọng.
Về công nghiệp: Phát triển nhanh, bền vững theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ mới, thân thiện với môi trường gắn với lợi thế kinh tế biển. Tỉnh sẽ phát triển các ngành công nghiệp chủ yếu là công nghiệp năng lượng và công nghiệp chế biến nông, thủy sản.
Ở lĩnh vực dịch vụ: phát triển nhanh, đa dạng các loại hình dịch vụ theo hướng hiện đại, chất lượng cao. Tập trung phát triển một số ngành dịch vụ có lợi thế, đẩy mạnh tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu ngành.
Đối với nông nghiệp: phát triển ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, tuần hoàn, sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo chuỗi giá trị, hiệu quả và có sức cạnh tranh cao dựa trên ứng dụng khoa học công nghệ và thích ứng với biển đổi khí hậu.
Về phương án tổ chức các hoạt động kinh tế, xã hội, tỉnh sẽ tổ chức thành 2 vùng. Trong đó, vùng phía Đông là vùng động lực phát triển. Vùng liên huyện phía Đông, bao gồm các huyện Duyên Hải, Cầu Ngang, Trà Cú và thị xã Duyên Hải (thị xã Duyên Hải là trung tâm vùng liên huyện) trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế của tỉnh, là cửa ngõ giao thông đường thủy của đồng bằng sông Cửu Long.
Vùng liên huyện phía Tây, bao gồm thành phố Trà Vinh, các huyện: Châu Thành, Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần, trong đó huyện Tiểu Cần (định hướng nâng cấp lên thị xã) là trung tâm vùng liên huyện. Thành phố Trà Vinh (mở rộng một phần các huyện: Châu Thành, Càng Long) là đô thị trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh. Thành phố Trà Vinh, các huyện: Càng Long, Cầu Kè, Châu Thành là địa bàn phát triển các hoạt động kinh tế tổng hợp. Phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn các huyện: Cầu Kè, Tiểu Cần.
Không gian phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh được xây dựng trên cơ sở 3 trục kết nối chính, bao gồm: trục phát triển theo tuyến đường bộ ven biển (là trục phát triển kinh tế động lực của tỉnh, trọng tâm là Khu Kinh tế Định An, trong đó tập trung phát triển năng lượng tái tạo, cảng biển, logistics, công nghiệp chế biến, chế tạo, du lịch và kết nối mạng lưới các đô thị ven biển); trục phát triển theo tuyến Quốc lộ 60; trục phát triển theo tuyến cao tốc Hồng Ngự – Trà Vinh.
Nguồn: https://www.travinh.gov.vn/