Lãnh đạo Dự án SME Trà Vinh thăm và làm việc tại hộ kinh doanh Trì Cảnh, huyện Trà Cú.
Do tác động của dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp (DN). Qua khảo sát, nhiều DN đang phải đối mặt với sự biến động của thị trường, nhất là cầu thị trường trong nước giảm, khó khăn về vốn. Để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, Dự án Phát triển DN nhỏ và vừa tỉnh (Dự án SME Trà Vinh) đã khảo sát và hỗ trợ vốn giúp DN vượt qua khó khăn, mở rộng sản xuất kinh doanh.
Đến cuối quý I/2020, toàn tỉnh có 2.583 DN hoạt động với tổng vốn 33.007 tỷ đồng, giải quyết việc làm 96.225 lao động; 167 hợp tác xã với tổng vốn 162,95 tỷ đồng, có 28.181 thành viên tham gia; trên 20.730 hộ kinh doanh, tổng vốn 2.629 tỷ đồng. Ước tính tăng trưởng GRDP quý I/2020 đạt 6,34%, trong đó khu vực I tăng trưởng âm 4,19%, khu vực II tăng 18,01%, khu vực III tăng 5,17%. Song song đó, có 26 DN giải thể, tạm ngừng 39 hoạt động DN; giải thể 593 hộ kinh doanh và 07 hợp tác xã. Các DN tạm ngừng hoạt động và giải thể đa phần là các DN thương mại, dịch vụ, xây dựng quy mô nhỏ. Khó khăn hiện nay là DN không đủ khả năng trả lương cho nhân viên; thiếu nguyên vật liệu đầu vào từ nguồn trong nước và áp lực nợ đến hạn phải trả. Theo ý kiến của các DN, ngoài việc gặp khó trong sản xuất kinh doanh, DN còn gặp nhiều khó khăn khác như không đủ khả năng trả tiền thuê mặt bằng kinh doanh, nhà xưởng và áp lực về thực hiện hợp đồng đã ký kết, thiếu nguyên vật liệu đầu vào từ nguồn nhập khẩu, xuất khẩu khó khăn, phụ thuộc vào đơn vị vận chuyển do việc hạn chế xe lưu thông, không có phương tiện vận chuyển hàng cho khách…
Để cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho DN nhỏ và vừa phát triển bền vững, thời gian qua, Dự án đã tìm hiểu và đánh giá chi tiết những rủi ro, khó khăn và thách thức do Covid-19 gây ra. Dự án SME Trà Vinh đã xây dựng kế hoạch hành động chi tiết nhằm đưa ra các giải pháp khắc phục rủi ro do Covid-19. Các giải pháp là hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực cho khối công và khối tư (thương mại điện tử, công nghệ số trong giao dịch, dịch vụ phát triển kinh doanh… và các hoạt động hỗ trợ tài chính cho DN (chương trình hỗ trợ DN, tín dụng DN, thí điểm vốn hạt giống cho các ý tưởng khởi nghiệp).
Bà Lê Thị Thanh Thủy, chủ DNTN than gáo dừa Bảy Khuynh, ấp Long Đại, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh là một trong những DN được nhận vốn từ dự án trong năm 2020 cho biết: trước đây, DN sản xuất mặt hàng than gáo dừa, gần đây sản xuất thêm mặt hàng phôi nút áo từ gáo dừa khô và giải quyết việc làm 72 lao động, chủ yếu là lao động nữ. Sản phẩm phôi nút áo từ gáo dừa, góp phần bảo vệ môi trường nên giá trị sản xuất cũng như thị trường tiêu thụ khá lớn. Hiện nay 90% sản phẩm này phục vụ thị trường xuất khẩu, bởi phôi nút áo từ gáo dừa sẽ thay thế nút áo nhựa làm giảm ô nhiễm môi trường. Bởi sản phẩm nút áo nhựa khoảng 100 năm mới phân hủy. Chính vì thế, sản phẩm phôi nút áo từ gáo dừa tiêu thụ trong và ngoài nước khá mạnh. Tuy nhu cầu của đối tác trong nước về sản phẩm phôi nút áo từ gáo dừa chỉ 10%, nhưng hiện nay các đối tác trong nước đang có kế hoạch hợp tác với DN để tăng số lượng sản phẩm này. Tuy nhiên, thời gian quan do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên tình hình sản xuất của DN gặp nhiều khó khăn, năng lực sản xuất giảm 50%. Do đó, DN đã bố trí, sắp xếp dây chuyền sản xuất cho phù hợp trong thời gian giãn cách xã hội để tạo điều kiện cho lao động có việc làm cải thiện cuộc sống. Mặc dù DN đã có kế hoạch sản xuất sản phẩm phôi nút áo hoàn chỉnh để cung ứng thị trường trong và ngoài nước. Tuy nhiên do vốn đầu tư công đoạn sản xuất phôi nút áo hoàn chỉnh rất lớn, nên trước mắt khi được nhận vốn từ dự án, DN cam kết thực hiện đúng hợp đồng đã ký kết là đầu tư nhà xưởng, một số trang thiết bị và hệ thống nước thải,… để tăng sản lượng nguyên liệu phôi nút áo lên 240 tấn đáp ứng nhu cầu thị trường và giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Bà Võ Thị Hồng Liên, Giám đốc Công ty TNHH MTV Hồng Liên TV, Khóm 3, thị trấn Mỹ Long, huyện Cầu Ngang cho biết: trong thời điểm đại dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, công ty bị thiệt hại khá nghiêm trọng do đầu ra khó tiêu thụ nên công ty đã giảm 50% lao động. Bình quân công ty sản xuất khoảng 0,5 – 01 tấn cá tươi/ngày tương đương 100 – 300kg cá khô, giải quyết việc làm từ 20 – 50 lao động. Phần lớn công ty cung ứng thị trường tỉnh Trà Vinh, Bình Dương, Thành phố Hồ Chính Minh, Hà Nội, Huế… Dù ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nhưng công ty đã cố gắng khắc phục khó khăn để giải quyết lao động cho công nhân có đời sống tốt hơn. Theo bà Liên, tháng 01/2020, mặt hàng khô cá đù nguyên con một nắng được UBND tỉnh chứng nhận OCOP (xếp hạng sản phẩm 3 sao). Công ty phát triển từ một cơ sở nhỏ, trong thời kỳ đầu khởi nghiệp mà được quan tâm hỗ trợ nguồn vốn nên rất phấn khởi. Sắp tới, khi nhận được nguồn vốn từ dự án, ngoài việc thực hiện đúng chương trình kế hoạch kinh doanh như đăng ký để đầu tư nhà xưởng, kho lạnh, hệ thống năng lượng mặt trời, hệ thống xử lý nước thải… công ty mở rộng thị trường, hướng đến thị trường xuất khẩu, đồng thời giải quyết việc làm thường xuyên cho lao động địa phương.
Ông Lâm Hữu Phúc, Giám đốc Dự án SME Trà Vinh cho biết: để hỗ trợ DN bị ảnh hưởng trong thời điểm dịch bệnh Covid-19, trước tiên Dự án gửi thư ngỏ đến các DN, cơ sở, hộ kinh doanh để nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, mức độ thiệt hại để kịp thời triển khai các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, giúp DN thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, ứng phó với dịch bệnh, phục hồi kinh tế trong thời gian tới. Đồng thời, Dự án khảo sát thẩm định xét duyệt các ý tưởng tham gia chương trình hỗ trợ DN trong thời gian sớm nhất, qua đó, giúp DN có điều kiện mở rộng sản xuất kinh doanh, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Đặc biệt là đề xuất, xét duyệt các loại hình phát triển về du lịch để thúc đẩy du lịch của tỉnh phát triển bền vững. Ngoài ra, Dự án tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động vườn ươm DN để hỗ trợ các ý tưởng khởi nghiệp phát triển.
Tin & ảnh: Mỹ Nhân