Sau 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Trà Vinh từng bước vươn lên, đổi thay toàn diện với nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Đời sống người dân không ngừng được nâng cao, tạo nền tảng vững chắc cho chặng đường phát triển bền vững trong những năm tiếp theo.

Một góc thành phố Trà Vinh
Ngày 30/4/1975, cùng với Sài Gòn và các tỉnh miền Nam, tỉnh Trà Vinh chính thức được giải phóng, đánh dấu một bước ngoặt lịch sử trên hành trình đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước.
Năm 1976, Trung ương quyết định sáp nhập 2 tỉnh Trà Vinh và Vĩnh Long, đổi tên thành tỉnh Cửu Long. Cùng với cả nước, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Cửu Long bước vào công cuộc khắc phục hậu quả chiến tranh, giữ vững chính quyền, tham gia bảo vệ biên giới, làm nghĩa vụ quốc tế. Đồng thời, tập trung phát triển sản xuất, xây dựng hạ tầng và nâng cao đời sống Nhân dân.
Qua 15 năm xây dựng và phát triển, kinh tế của tỉnh có những chuyển biến tích cực. Sản lượng lương thực từ 646 ngàn tấn năm 1976 tăng lên 1,2 triệu tấn năm 1990 (gấp 2 lần). Công nghiệp chế biến có sự phát triển đáng kể. Cơ cấu kinh tế, phân công lao động, khai thác đất đai, ngành nghề, sản phẩm làm ra từng bước phù hợp với nền kinh tế hàng hóa.
Tháng 5/1992, tỉnh Trà Vinh được tái lập trong điều kiện kinh tế – xã hội còn nhiều hạn chế. Thu ngân sách thấp, hạ tầng giao thông yếu kém, văn hóa – xã hội, y tế, giáo dục còn nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, với sự quan tâm của Trung ương, sự đoàn kết của cả hệ thống chính trị và sự chung sức đồng lòng của Nhân dân, Trà Vinh từng bước vượt qua thử thách, đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tốc độ tăng trưởng GRDP duy trì ổn định và tích cực. Giai đoạn 2015 – 2020, GRDP tăng 11,95%. Cuối năm 2024, GRDP đạt 10,04% (xếp thứ 8 cả nước và đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long).
Ngành điện đóng góp tích cực vào tăng trưởng của tỉnh Trà Vinh trong những qua. Ảnh: Công ty nhiệt điện Duyên Hải |
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Tỷ trọng giá trị nông – lâm nghiệp – thủy sản từ 60,29% năm 1991 giảm còn 27,31% năm 2024. Công nghiệp – xây dựng từ 7,24% năm 1991 tăng lên 72,69%. Quy mô kinh tế đạt hơn 96.600 tỷ đồng. GRDP bình quân đầu người năm 2024 đạt hơn 94,3 triệu đồng, gấp 129 lần so với năm 1992.
Toàn tỉnh hiện có hơn 5.800 doanh nghiệp, trong đó có nhiều doanh nghiệp FDI, tạo việc làm cho hơn 106.000 lao động. Kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2024 đạt mức tăng trưởng ấn tượng với trên 1 tỷ USD.
Cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp – xây dựng và dịch vụ. Ảnh: Nhà máy Công ty TNHH Thương Mại và Sản Xuất Bảo Tiên (huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh) |
Bên cạnh đó, lĩnh vực thương mại – dịch vụ cũng ngày càng sôi động với hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống được đầu tư đồng bộ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2024 đạt hơn 62.700 tỷ đồng, tăng gấp 88 lần so với năm 1992.
Du lịch cũng đang dần khẳng định vị thế với các điểm đến nổi bật như: Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ao Bà Om, cánh đồng điện gió Duyên Hải – biển Ba Động, Điểm du lịch cộng đồng Cồn Chim… Năm 2024, tỉnh đón hơn 3,8 triệu lượt du khách, doanh thu du lịch đạt hơn 2.500 tỷ đồng.
Cánh đồng Điện gió Duyên Hải gắn liền với khu du lịch biển Ba Động thu hút đông đảo du khách đến tham quan. |
Một dấu ấn đậm nét trong hành trình 50 năm phát triển của tỉnh Trà Vinh chính là thành tựu xây dựng nông thôn mới. Năm 2024, Trà Vinh được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Tỉnh có 100% xã đạt nông thôn mới, 60% xã đạt nông thôn mới nâng cao, 10,6% xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 100% đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới; có 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (Tiểu Cần, Cầu Kè). Đây là thành quả của quá trình nỗ lực bền bỉ, sáng tạo của cả hệ thống chính trị và toàn thể Nhân dân trong gần 15 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Lãnh đạo tỉnh Trà Vinh và huyện Tiểu Cần đón nhận Bằng công nhận huyện nông thôn mới nâng cao vào tháng 8/2024 |
Song song với sự phát triển vượt bậc của kinh tế, lĩnh vực văn hóa – xã hội cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác giảm nghèo bền vững được chỉ đạo thực hiện quyết liệt. Đời sống người dân được nâng cao. Đến nay toàn tỉnh còn 2.493 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,87% so với tổng số dân cư. Chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực, giảm tỷ lệ lao động trong nông nghiệp còn 28,89%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt gần 70%. Năng suất lao động ước đạt hơn 180 triệu đồng/lao động.
Tỉnh cũng đặc biệt quan tâm triển khai các chính sách phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều chương trình đầu tư hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ sản xuất, cải thiện nhà ở, đào tạo nghề, giải quyết việc làm và cung cấp vốn ưu đãi đã được thực hiện đồng bộ. Nhờ đó, kinh tế – xã hội tại các khu vực có đông đồng bào Khmer không ngừng khởi sắc, đời sống người dân ngày càng cải thiện, bản sắc văn hóa dân tộc được gìn giữ và phát huy hiệu quả.
![]() |
Hoạt động đua ghe Ngo mỗi dịp Lễ Ok Om Bok là nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Khmer được quan tâm bảo tồn và phát huy |
50 năm sau ngày giải phóng, Trà Vinh đã và đang không ngừng chuyển mình vươn lên, trở thành vùng đất đầy tiềm năng phát triển. Với tầm nhìn đến năm 2050, Trà Vinh định hướng trở thành tỉnh phát triển cao của vùng, có trung tâm kinh tế biển hiện đại và trung tâm năng lượng sạch của vùng, thích ứng với biến đổi khí hậu; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, kết nối hiệu quả với vùng và cả nước. Xã hội văn minh, hiện đại; quốc phòng, an ninh được bảo đảm; người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.
Con người Trà Vinh hôm nay đang tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, tinh thần đoàn kết dân tộc, ý chí tự lực tự cường và viết tiếp trang sử hào hùng bằng những công trình mới, những giá trị mới, vững vàng bước vào kỷ nguyên phát triển bền vững.