Tham dự buổi tiếp doanh nghiệp định kỳ tháng 3/2020 có Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Văn Lâm và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Dũng, lãnh đạo các sở, ngành tỉnh.
Ông Nguyễn Thanh Đồng (bìa phải) tại buổi tiếp doanh nghiệp định kỳ tháng 3/2020. |
Tại buổi tiếp, ông Nguyễn Thanh Đồng, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất-Thương mại-Dịch vụ Thanh Đồng, có trụ sở giao dịch tại ấp Chợ, xã Phương Thạnh, huyện Càng Long trình bày nguyện vọng muốn hợp tác cùng với các ngành chuyên môn trong tỉnh, từng bước nhân rộng mô hình nuôi tôm siêu thâm canh có hồ lắng bằng composite (hình thức biogas trong nuôi tôm).
Tại buổi tiếp, đại diện doanh nghiệp, ông Nguyễn Thanh Đồng cho biết: Địa điểm sản xuất của Công ty tại ấp Mỹ Hiệp, xã Đức Mỹ, huyện Càng Long. Công suất sản xuất bình quân, nếu có đầu ra ổn định sẽ đạt khoảng 30 hầm loại 17m3/tháng và khoảng 200 hầm loại 09m3/tháng.
Ông Nguyễn Thanh Đồng cho biết thêm: Hiện nay, qua phối hợp, nắm tình hình, số hộ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh nói chung, nuôi theo hình thức siêu thâm canh nói riêng ngày càng tăng. Nhằm hạn chế rủi ro, tăng lợi nhuận, đòi hỏi người nuôi tôm cần có các biện pháp xử lý chất thải, bảo vệ môi trường khỏi những tác động làm ảnh hưởng đến môi trường sống, sức khỏe của người dân. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn nông dân sử dụng ao lắng bằng hình thức đào thêm ao. Việc đầu tư xây dựng hầm biogas bằng composite là giải pháp tối ưu nhất hiện nay cho việc xử lý nước thải nói chung và xử lý nước thải nuôi tôm nói riêng tại một vùng nuôi khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Hệ thống hầm biogas bằng composite giúp xử lý hiệu quả chất thải của quá trình nuôi tôm trước khi thải ra ngoài môi trường, điều này góp phần mang lại hiệu quả nhất cho việc bảo vệ môi trường trước các nguy cơ gây ô nhiễm khi mô hình nuôi tôm ngày càng phát triển.
Được biết, tại một mô hình nuôi của Cầu Ngang và Duyên Hải, Công ty đã liên kết với các hộ nuôi xây dựng hầm biogas bằng composite giúp xử lý nước thải trong quá trình nuôi, bước đầu đạt hiệu quả về kinh tế, lợi nhuận, hạn chế rủi ro… Các loại chất thải rắn như xác tôm chết, vỏ tôm, các loại thức ăn thừa và phân tôm người dân có thể tận dụng cho việc chăn nuôi khác như làm thức ăn cho vịt, cá…
Phát biểu với doanh nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Văn Lâm ghi nhận đề xuất và khẳng định sẽ tạo điều kiện giúp doanh nghiệp gặp các sở ngành hữu quan: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, các địa phương… để doanh nghiệp có cuộc trao đổi, tổ chức xây dựng mô hình thí điểm, có giám sát, đánh giá, hội thảo rút kinh nghiệm, nếu hiệu quả, người nuôi đón nhận, sẽ từng bước nhân rộng và hưởng các chính sách hỗ trợ hiện hành của tỉnh và Trung ương.
Tin, ảnh: B. Trân